Lượt xem: 1871

Nhà văn, chiến sĩ, liệt sĩ Lê Vĩnh Hòa và con đường mang tên anh tại thành phố Sóc Trăng

Lê Vĩnh Hòa là cán bộ chiến sĩ cách mạng đồng thời là nhà văn, có nhiều gắn bó với Đảng bộ và Nhân dân Sóc Trăng. Những tác phẩm của Lê Vĩnh Hòa tuy không nhiều nhưng đầy sức sống và có chỗ đứng trong dòng văn học cách mạng. Tiếc thay, trong lúc tài năng đang độ nở thì đồng chí Lê Vĩnh Hòa hy sinh, để lại cho đời nhiều truyện ngắn, bút ký, tiểu luận phê bình văn học, bài thơ cùng những tác phẩm còn dang dở. Để tưởng nhớ và tri ân nhà văn - chiến sĩ, liệt sĩ tài hoa, sáng ngời phẩm chất anh hùng cách mạng, năm 1976 tên đồng chí Lê Vĩnh Hòa được đặt cho một con đường ở thị xã Sóc Trăng cho đến nay.

    Lê Vĩnh Hòa tên thật là Đoàn Thế Hối, bút hiệu là Trần Bình, Trần Bàng, Nhị Anh, sinh ngày 6-10-1932 tại tỉnh Bình Định. Cha Lê Vĩnh Hòa tham gia phong trào cách mạng, do bị lộ, bị địch truy lùng  nên phải cùng gia đình ly hương vào tỉnh Rạch Giá làm nghề dạy học.


Nhà văn, chiến sĩ, liệt sĩ Lê Vĩnh Hòa.

    Năm 14 tuổi, Lê Vĩnh Hoà tham gia cách mạng trong phong trào thiếu nhi xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng và sau đó chuyển về tỉnh, phụ trách công tác thiếu nhi của Đoàn thanh niên Cứu quốc tỉnh Rạch Giá. Tháng 10-1948, Lê Vĩnh Hòa được tổ chức cử đi học tại Trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố của Khu 9, sau khi học xong được điều động đến công tác tại Văn phòng Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây.

    Năm 1951, Lê Vĩnh Hòa được điều động đến tỉnh Sóc Trăng, công tác ở Văn phòng Ban Dân vận - Mặt trận Tỉnh ủy Sóc Trăng. Năm 1955 anh được điều động về thị xã Sóc Trăng, là Ủy viên Ban Chấp hành Thị đoàn Sóc Trăng, được tổ chức phân công vào học ở Trường Trần Văn và sau đó là Trường Bán công Phụ huynh học sinh[1], vừa học vừa xây dựng cơ sở Đoàn trong thanh niên học sinh. Sau khi ra trường, do tốt nghiệp loại xuất sắc nên Lê Vĩnh Hòa được mời làm giáo viên dạy một số trường trung học tư thục và bán công ở thị xã Sóc Trăng, như: Trần Văn, Lam Sơn và Phụ huynh học sinh. Tháng 5-1957, Lê Vĩnh Hòa được kết nạp vào Đảng Lao Động Việt Nam.

    Thời gian này Mỹ - Diệm tăng cường đánh phá phong trào cách mạng, khủng bố tàn khốc, gây cảnh nồi da xáo thịt đối với nhân dân ta và làm cho tổ chức cơ sở đảng bị tổn thất nặng nề. Cùng với phong trào đấu tranh ở các huyện, Thị ủy Sóc Trăng tranh thủ các hoạt động diễn đàn báo chí công khai của địch để vạch mặt kẻ thù. Tiêu biểu cho phong trào này là đồng chí Lê Vĩnh Hòa. Những bài viết đăng trên các tạp chí Nhân loại, Bông lúa, Lúa vàng cùng những bài thơ do Lê Vĩnh Hòa sáng tác đều mang nội dung chống Mỹ - Diệm một cách khéo léo và sâu sắc, được cán bộ và nhân dân tỉnh Sóc Trăng ca ngợi và thường xuyên theo dõi.

    Tháng 10-1958, Lê Vĩnh Hòa bị địch bắt, chúng giam đồng chí tại Khám lớn  Sóc Trăng, bị đánh đập, tra khảo và giam cầm ở lao tù: Khám Chí Hòa, (ở Sài Gòn) Trại giam Thủ Đức (ở Bình Thuận), Nhà lao Tân Hiệp (ở Đồng Nai), Nhà tù Phú Lợi (ở tỉnh Bình Dương). Đồng chí Lê Vĩnh Hòa vẫn luôn trung kiên với Đảng, vẫn giữ tròn khí tiết cách mạng. Trong thời gian bị tù đày, đồng chí Lê Vĩnh Hòa đã móc nối với tổ chức Đảng trong tù để hoạt động cách mạng, dạy văn hóa và chăm sóc sức khỏe cho anh em tù chính trị.

    Tháng 5-1964, sau gần 6 năm bị tù đày, đồng chí Lê Vĩnh Hòa mãn hạn tù trở về Sóc Trăng thăm gia đình và sau đó móc nối với tổ chức, ra vùng giải phóng xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ[2]. Những ngày đầu đặt chân đến Đông Phước, được sống với anh em đồng đội, với nhân dân, với những con người gang thép, một lòng, một dạ bám làng chiến đấu, nơi có nhiều kỳ tích đánh giặc, chính là nguồn cảm hứng để đồng chí Lê Vĩnh Hòa viết tùy bút “Sống với Đông Phước”.


Con đường mang tên Lê Vĩnh Hòa tại thành phố Sóc Trăng

    Tháng 6-1964, đồng chí được phân công công tác tại Ban Dân vận tỉnh Cần Thơ. Nhận thấy Lê Vĩnh Hòa say mê văn nghệ và sáng tác văn, thơ, Ban Tuyên huấn Khu 9 rút đồng chí về Tiểu ban Văn nghệ, sau đó được phân công về Đại đội 1, Tiểu đoàn 309 hoạt động ở các chiến trường Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá. Lê Vĩnh Hòa sống cùng bộ đội và nhân dân. Những lúc rãnh rỗi, đồng chí thường giúp đơn vị lo cơm nước, vá quần áo, canh gác máy bay và nhường từng miếng ăn, chỗ ngủ cho bộ đội. Anh em trong đơn vị thường gọi đồng chí Lê Vĩnh Hòa bằng những cái tên thân mật: “Anh Nuôi”, “Chị Hai”. Quý mến Lê Vĩnh Hòa, anh em chiến sĩ xin cấp trên cho lấy tên đồng chí đặt tên một tiểu đội: Tiểu đội Lê Vĩnh Hòa. Tình cảm đồng đội ấy cùng với tình cảm quân dân như “cá với nước” đã làm cho các truyện ngắn, tùy bút, thơ ca của Lê Vĩnh Hòa càng thêm đậm nét trữ tình và tràn đầy sức sống, phản ánh sinh động cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của nhân dân miền Tây Nam bộ. Nhiều tác phẩm của đồng chí viết ngay trong đêm dưới ánh đèn dầu, hay viết ngay tại chiến hào, đã có sức cổ vũ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ta hăng hái lập công tiêu diệt kẻ thù, như: Truyện ngắn Nắng mùa xuân, Qua vườn măng, Khóa đít xe bọc thép, Băn khoăn chú Kiệt, Du kích Đông Phước, Mấy trang nhật ký bên chiến hào... Có thể nói, mỗi dấu chân nơi Lê Vĩnh Hòa đến, dường như được in đậm nét trong các tác phẩm đồng chí.

    Tài năng của đồng chí Lê Vĩnh Hòa đang độ nở, viết sung sức, thì trong một trận chống càn ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (tỉnh Cần Thơ, nay thuộc tỉnh Hậu Giang), đồng chí Lê Vĩnh Hòa đã anh dũng hy sinh, đó là ngày 15-2-1967 (nhằm ngày mùng 7 Tết năm Đinh Mùi).

    Nhà văn Lê Vĩnh Hòa hy sinh nhưng đã để lại cho đời trên 100 truyện ngắn, tùy bút, tiểu luận phê bình văn học; nhiều bài thơ cùng những tác phẩm còn dở dang và bao ước mơ, dự định của một nhà văn, một chiến sĩ cách mạng.

    Để tri ân và tưởng nhớ đến nhà văn, chiến sĩ, liệt sĩ Lê Vĩnh Hòa, đồng thời tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương, năm 1976 các đồng chí lãnh đạo ở thị xã Sóc Trăng quyết định đổi tên đường Pétrus Ký thành đường Lê Vĩnh Hoà cho đến nay.

Thanh Hà



[1] Để được vào học ở trường, Lê Vĩnh Hòa phải sửa đổi năm sinh để nhỏ tuổi hơn.

[2] Nay thuộc xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Đông Phước lúc bấy giờ là xã có phong trào du kích chiến tranh mạnh của tỉnh Cần Thơ.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 45
  • Hôm nay: 781
  • Trong tuần: 70,114
  • Tất cả: 11,864,141